Để tín dụng đến với hoạt động sản xuất, kinh doanh

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam theo quy luật thường tăng cao trong tháng cuối năm, sau đó giảm hoặc tăng rất chậm vào những tháng đầu năm. Diễn biến hoạt động tín dụng năm 2014 cũng không ngoài quy luật đó. Tín dụng tháng 1/2014 giảm 0,55% và giảm 0,65% trong tháng 2/2014 và đến tháng 3/2014 tín dụng đã tăng khoảng 1,35% so với tháng 2.

Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vẫn thấp


Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: “Tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay chưa có biến động gì khác thường bởi thông thường những tháng đầu năm, các doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn nhiều để sản xuất, kinh doanh. Từ quý II trở đi, tốc độ tăng trưởng tín dụng mới tăng dần và tăng rõ nét phải chờ đến quý III và IV”.

Để tín dụng đến với hoạt động sản xuất, kinh doanh

Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, NHNN đã giảm mặt bằng lãi suất cho vay thế chấp xuống phổ biến mức 9 - 11%/năm, bằng với mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. Các tổ chức tín dụng còn miễn giảm lãi vốn vay, giảm lãi suất của các khoản cho vay cũ. Đến nay, tỷ trọng các khoản cho vay thế chấp có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 5,6% so với mức 65% trước thời điểm 15/7/2012.

Đồng tình quan điểm này, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng: Nguyên nhân tín dụng tăng chậm chủ yếu do những tháng đầu năm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp. Một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, nợ giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhưng doanh nghiệp không có dòng tiền do không có đầu ra, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn...

Tuy nhiên, theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận vốn ngân hàng vẫn là một trở ngại đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có đến 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, lãi suất hiện nay vẫn còn cao khiến họ khó làm ăn có lãi. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn, trong đó có yêu cầu về tài sản thế chấp còn phức tạp.

Anh Trịnh Minh Hoàng hiện đang sở hữu công ty Sumi chuyên sản xuất và lắp đặt cửa nhựa lõi thép tại Hà Nội. Nhiều tháng nay anh Hoàng rất muốn vay vốn ngân hàng để tiếp tục dự thầu thực hiện các công trình nhưng anh vẫn đắn đo: “Lãi suất hiện tại vẫn cao, vay rồi sợ làm không có lãi”.

Anh Hoàng cho biết nhà thầu thường bị các chủ đầu tư chậm trả tiền, có khi tới hàng năm. “Những công ty nhỏ như chúng tôi dễ bị lợi dụng vốn nên tôi phải cân nhắc có tiền tới đâu làm tới đó hay đi vay vốn để làm. Thêm nữa, mức lãi suất như hiện nay mặc dù đã giảm so với trước nhưng doanh nghiệp vẫn ngại vay vì lo khó có lãi”, anh Hoàng nói.


Tăng khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế



Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), mặc dù hiện nay, nền kinh tế đang có sự chuyển biến tích cực song tổng cầu cải thiện chậm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) trong quý I/2014 tăng 5,1%, không cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm 2013 (+4,5%) và 2012 (+5%). Đầu tư tư nhân cũng chưa cải thiện nhiều.

Trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, hệ thống ngân hàng đã tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã mua khoảng 83% lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành (số liệu đến 28/3, tổng lượng trái phiếu Chính phủ phát hành khoảng 81.600 tỷ đồng). Theo các chuyên gia ngân hàng, đối với nền kinh tế, việc tăng đầu tư vào TPCP có tác động rất tốt ở chỗ trong khi tín dụng chưa thể mở rộng, việc các tổ chức tín dụng đầu tư TPCP có thể giúp tăng thanh khoản cho nền kinh tế. Khi các khoản vốn này được giải ngân và sử dụng hiệu quả, sẽ giúp kích hoạt dòng tiền trong nền kinh tế. Các dự án, doanh nghiệp thuộc diện sử dụng nguồn TPCP có tiền để đầu tư, sẽ giúp lưu thông hàng hóa, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp khác, qua đó có tác động lan tỏa và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Để tín dụng đến với hoạt động sản xuất, kinh doanh 1

Vì vậy, đại diện UBGSTCQG đã đưa ra khuyến nghị, cùng với việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất; hỗ trợ cho nông dân về giá nông sản; giảm lãi suất và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng.


Theo các chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng tăng mua TPCP không có gì đáng ngại. "Tuy nhiên, nếu tình hình này tiếp tục diễn ra trong quý II, quý III thì rất đáng lo. Bởi khi đó, trái phiếu sẽ chèn lấn tín dụng, vốn sẽ không chảy vào được sản xuất. Việc ngân hàng đổ tiền vào mua trái phiếu còn khiến lãi suất cho vay thế chấp khó giảm thêm như mục tiêu của NHNN”, một chuyên gia kinh tế cho hay.

Ngoài ra, phía ngân hàng cũng tiếp tục thực hiện nhân rộng ra một số tỉnh, thành phố mô hình chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; triển khai sản phẩm tín dụng cho vay thế chấp liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng bao gồm ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp... nhằm gắn kết nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà thầu, nhà đầu tư, tạo điều kiện hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần lưu thông hàng hóa, giải quyết lượng hàng tồn kho.

Để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế, NHNN tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo đủ nguồn vốn tín dụng để cho vay thu, mua, tạm trữ lúa, gạo để hỗ trợ cho nông dân; triển khai chương trình cho vay thế chấp thí điểm mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với lãi suất hợp lý...

Nguồn baotintuc.vn

0 nhận xét: