Đồng bằng SCL: Vay vốn khó như hái sao trên trời

 Được xác định là thủ phủ của lúa, cá và cây ăn trái, nhưng nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn trong tình trạng đói vốn. Bởi để tiếp cận được 1 đồng vốn, nhiều lúc họ phải đổ đến… 4 đồng mồ hôi (!?).

Đồng bằng SCL: Vay vốn khó như hái sao trên trời

Nông dân phải thuê người viết dự án


Sau nhiều lần định mức và thời gian vay cho nông nghiệp được điều chỉnh nâng lên (30 triệu đồng/ha/năm), nông dân phần nào dễ thở hơn với nguồn tín dụng. Tuy nhiên, dường như điều này chỉ mới đúng với cây lúa, những nông dân muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường thì rất nhọc nhằn để tiếp cận nguồn vốn này.

Ông Nguyễn Thành Khánh (xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) than thở: “Để vay được đồng vốn trồng màu, chăn nuôi thay cho cây lúa đang bấp bênh về giá bán và khả năng tiêu thụ, nông dân tụi tui phải đổ đến 4 đồng mồ hôi”.

Theo lời ông Khánh, để được cho vay the chap 100 triệu đồng, ngoài việc thế chấp giấy đỏ (giấy chứng nhận chủ quyền đất) của 20 công đất ruộng, ngân hàng (NH) còn yêu cầu ông phải có "dự án khả thi”.

Với học vấn “có hạn” của mình, ông Khánh không thể trực tiếp hoàn thành cả núi chữ nghĩa cần có cho việc viết dự án. Thế là phải tới-lui thuê mướn việc viết dự án, rồi đưa-rước cho việc thẩm định...

Đây cũng là câu chuyện chung của hàng ngàn nông dân ở ĐBSCL. Ông Hồ Văn Tiểu (huyện Châu Phú-An Giang) cho biết: “Để được vay 800 triệu đồng làm vốn nuôi 3.000m2 cá tra, ngoài việc thế chấp giấy đỏ 3ha đất lúa, tôi cũng nhờ người thạo việc viết dự án để đủ thủ tục cho NH”.

Riêng với lĩnh vực đánh bắt xa bờ, đòi hỏi nguồn vốn lớn, tình hình càng khó khăn hơn. Ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội nghề cá TP.Rạch Giá (Kiên Giang) - nói: “Do trị giá của mỗi tàu cá lên đến 6-7 tỉ đồng/chiếc, vì vậy có đến 60-70% trong số 420 hội viên có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, NH chỉ giải quyết cho các đối tượng được xếp vào loại khách hàng vàng và khách hàng bạc, song cao nhất họ cũng chỉ được xét giải quyết cho vay tối đa 25% trị giá tài sản thế chấp, số còn lại, để duy trì hoạt động phải vay “nóng” bên ngoài”.

Chịu lãi 10%/tháng để trồng màu


Do định mức vay thấp, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, chăn nuôi thực tế, nên phần lớn nông dân phải vay “nóng” bên ngoài với mức lời “ngất ngưởng” để bù đắp vào khoản thiếu hụt này.

“Với giá thấp hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg vụ xoài này, 0,8ha cho 8 tấn trái, tôi bị mất oan 8 triệu đồng - ông Nguyễn Ngọc Lợi - nông dân trồng xoài ở thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp) - bức xúc - Nguyên nhân chính là do thiếu vốn, phải bán xoài non”.

Theo ông Lợi, do trồng xoài theo chuẩn VietGAP phải tốn thêm chi phí mua vỏ bao trái, rồi công bao trái... nên chi phí sản xuất tăng cao, nhưng NH lại giải ngân ngang với các hộ trồng xoài bình thường, nên ông phải “cầu cứu” thương lái mượn vốn để bù đắp vào.

Nhưng không phải ai cũng được xem xét và giải quyết đúng với nhu cầu. Thương lái chỉ chấp nhận đưa tiền khi tận mắt kiểm tra vườn xoài và họ căn cứ vào tỉ lệ đậu trái để định ra mức tiền. Với người trồng màu, tình cảnh càng thê thảm hơn khi phải đối mặt với nhiều khoản lãi từ các dịch vụ phân, thuốc dưỡng, thuốc trừ sâu bệnh.

Ông Đặng Văn Thuật (xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Do chỉ được NH giải ngân tối đa 10 triệu đồng/công đất trồng màu, rất thấp so với nhu cầu thực tế, nên tôi phải mua trả chậm nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp tại đại lý quen”. Và tất nhiên cũng như nhiều nông dân thiếu vốn khác, ông Thuật phải chịu mức lãi “nóng” dao động trên dưới 10%/tháng.

Thậm chí có nhiều trường hợp để đủ bù đắp tiền lãi, nhiều nông dân chấp nhận đánh đu với may rủi. Điển hình là các chủ tàu đánh bắt xa bờ. Theo ông Trương Văn Ngữ, thời gian qua có không ít trường hợp chủ tàu rơi vào cảnh trắng tay. “Sau thời gian đầu được thân nhân là Việt kiều tài trợ đóng 1 cặp tàu, nhưng thời gian làm ăn kém hiệu quả, Việt kiều cắt “viện trợ”.

Để duy trì hoạt động, hộ này (vì lý do “tế nhị”, ông Ngữ đề nghị không nêu tên) vay “nóng” bên ngoài. Do tiền vay lớn (5-6 tỉ đồng), vì vậy để đảm bảo nguồn kinh phí, họ phải mạo hiểm đưa tàu vào vùng “giáp ranh” đánh bắt, nhưng sau vài lần bị phạt, họ đành phải bán cặp tàu để trả nợ”.

Nguồn laodong.com.vn

0 nhận xét: